Đường cong DD Sơ_đồ_DD-AA

Tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng khiến sản lượng cân bằng tăng theo sự dịch chuyển dọc theo đường DD. Y, I, G, P* tăng hoặc T, P giảm làm sản lượng cân bằng tăng theo sự dịch chuyển song song sang phía phải của đường DD.

Đường cong DD thể hiện tập hợp các điểm cân bằng trên thị trường sản lượng (nghĩa là tổng cầu bằng tổng cung). Để xây dựng được đường DD, trước tiên chúng ta cần rõ cơ chế xác định tổng cầu.

Gọi D là tổng cầu, Y là thu nhập quốc dân, T là tổng thu từthuế, I là đầu tư theo kế hoạch của các hãng, G là chi tiêu của chính phủ, E là tỷ giá hối đoái danh nghĩa, P* là mức giá chung của nước ngoài, P là mức giá chung trong nước. Khi đó ta có phương trình tính tổng cầu như sau:

D = D(Y,T,I,G,E,P*,P)

trong đó, dD/dY>0, dD/dT<0, dD/dI>0, dD/dG>0, dD/dP*>0, dD/dP<0.

Tổng cầu sẽ tăng khi xảy ra một hoặc đồng thời các thay đổi sau: thu nhập quốc dân tăng lên, chính phủ giảm thuế, đầu tư theo kế hoạch của hãng tăng lên, chính phủ tăng chi tiêu, mức giá chung của nước ngoài tăng lên, mức giá chung trong nước giảm xuống.

Giả định, nền kinh tế mở ở trạng thái cân bằng, do đó tổng cầu bằng tổng cung. Đường cong DD thể hiện sự cân bằng này. Như vậy, DD có thể bị tác động khi xảy ra những thay đổi nói trên. Nếu biểu diễn DD trên một trục tọa độ hai chiều với trục hoành là các mức sản lượng cân bằng, còn trục tung là các mức tỷ giá hối đoái danh nghĩa, thì với bất cứ sự thay đổi nào của tỷ giá ta sẽ có sự dịch chuyển dọc theo đường DD. Còn với bất cứ sự thay đổi nào của các nhân tố còn lại (Y, T, I, G, P*, P) ta sẽ có sự dịch chuyển của chính đường DD.